Lời nói đầu
Việc thờ cúng tổ
tiên, ông bà, cha mẹ, cùng với các tế lễ khác trong những ngày Tết,
giỗ chạp, v.v… theo phong tục Việt Nam từ ngàn xưa vẫn được mọi người
coi trọng, gọi nôm na là “Đạo ông bà”. Đây không phải là tín ngưỡng
mà là tục lệ nhớ đến nguồn gốc, một trong những tục lệ tốt đẹp
của dân tộc Việt Nam, thể hiện được ý nghĩa của câu “Uống nước nhớ
nguồn”.
Tuy nhiên, trước kia
đa số các bài văn tế đều được viết bằng Hán tự và đọc theo âm Hán
Việt khiến cho cả người nghe lẫn người đọc văn tế không thể hiểu
được ý nghĩa của nó. Cũng có người thủ cựu quan niệm rằng văn tế
từ xa xưa đã vậy thì cứ nên đọc bằng âm Hán Việt nhưng điều này không
những làm cho con cháu, họ hàng không thấm nhuần được ý nghĩa nhờ
về công lao dưỡng dục sinh thành của tổ tiên mà còn phát sinh nhiều
phức tạp, thí dụ như phải thuê mướn người viết văn tế, chọn người
có giọng đọc ngân nga cho phù hợp, v.v… Theo đà tiến bộ của xã hội,
hiện nay có một số người quan điểm là nên thay thế văn tế bằng diễn
văn và ít nhiều đã có một số người sử dụng trong các ngày giỗ
chạp, tang ma, v.v… Tuy nhiên, việc duy trì tục lệ cúng tế và khấn
bằng văn tế hiện nay vẫn là một nét đẹp truyền thống mà chúng ta
nên bảo tồn. Tục lệ cúng tổ tiên, ông bà… nên giữ gìn, nhưng đa số
đều yêu cầu văn tế nên soạn bằng tiếng Việt, vừa chuyển tải được tâm
tư của con cháu vừa có thể tự mình soạn lấy cho sâu sát với từng
hoàn cảnh, từng gia đình. Có như vậy bài văn tế mới thấm vào hồn
mỗi người, tạo nên một phong tục tốt đẹp, để con cháu đời sau hiểu
và gìn giữ bằng cả tâm hồn trân trọng của mình.
Vì vậy, trong tập
sách nhỏ này, chúng tôi vẫn ghi lại những mẫu văn tế bằng âm Hán
Việt dành riêng cho người muốn tham khảo nó, sau đó sẽ là những bài
văn bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, vì việc sử dụng các từ Hán Việt đã
có quá trình lâu dài, ít nhiều vẫn không sao tránh khỏi việc sử
dụng một số từ ngữ bằng âm Hán Việt. Do vậy, nơi cuối sách, chúng
tôi sẽ dành một phần để giải thích, giúp bạn đọc hiểu thấu đáo
hơn.
Điếu văn nói chung
cũng là một loại văn tế nhưng được đọc trong lúc tang lễ đang tiến
hành, vì vậy về tiết tấu, âm vận cũng có một số khác biệt với văn
tế – tức là các bài văn độc trong các lễ thông thường, thí dụ như
sau khi hết tang – thường sử dụng lối văn bi ai, não nùng để chuyển
tải được nỗi lòng người còn sống thương tiếc người đã chết, đa số
được dùng loại văn biền ngẫu để có hai vế đối nhau, vận dụng thanh
bằng trắc một cách phù hợp, trầm bổng, nhịp nhàng, gây cảm xúc cho
người nghe.
Riêng văn tế vào lễ
thường hay còn gọi là tế cáo văn thì chỉ cần chú trọng đến sự
thành kính, nghiêm trang, không đòi hỏi chặt chẽ lắm về phần đối như
biền ngẫu.
Trước kia, việc soạn
một bài văn tế rất nghiêm ngặt, theo từng âm vận, từng câu đối nhau,
chia nhiều khổ cho giọng đọc được trầm bỗng ngân nga nhưng hiện tại
đã giảm chiết đi rất nhiều, nhất là với âm tiếng Việt thì nhiều khi
rất khó tìm chữ cho thật đắt, bất đắc dĩ vẫn phải sử dụng một số
từ Hán Việt, giúp cho câu văn thanh thoát hơn.
Với khả năng hạn
hẹp, chắc chắn sẽ có những sai sót, rất mong được bạn đọc cùng các
vị thức giả chỉ giáo thêm. Mong rằng tập sách nhỏ này sẽ là viên
gạch góp phần vào việc bảo tồn vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Việt
Nam.
Lời nói đầu về văn tế mẫu cúng gia tiên
Reviewed by Xinh Blog
on
13:29
Rating:
Không có nhận xét nào: