GIẢI THÍCH CÁC TỪ HÁN VIỆT VÀ THUẦN VIỆT






Ai lệ: Nước mắt bi thương.
Âm cực dương hồi: Khi khí âm đã cao nhất thì khí dương bắt đầu trở về. Ý nghĩa là cuộc đời xoay chuyển.
Âm dung: Âm thanh (tiếng nói) và dung mạo (hình dáng).
Âm dữ dương đồng: Trần thế ra sao thì cõi âm cũng giống như vậy.
Âm thế: Đối với Dương thế, là thế giới của người chết. Còn có những từ tương đương như Âm giới, cõi u minh, cõi u huyền. Theo mô tả của người xưa thì nơi âm thế có một con suối vàng nên còn được gọi là suối vàng, chín suối (cửu tuyền) hoàng tuyền, tuyền đài.
Âu vàng: Dịch từ chữ Kim Âu tiếng Hán, ý nghĩa là đất nước giang sơn.
Bạch vân: Mây trắng. Ý nghĩa đã giải thích ở từ Vân cẩu.
Bài vị: Miếng gỗ viết tên người đã khuất đặt trên bàn thờ.
Ban y: Còn gọi là áo Thái Ban, nghĩa là cái áo màu sắc sặc sỡ mà trẻ con thích mặc. Bắt nguồn từ một câu chuyện trong tập “Nhị thập tứ hiếu” (24 người con hiếu thảo), trong đó có chuyện người con hiếu nước Sở tên là Lão Lai Tử. Tuy ông tuổi đã già nhưng không muốn cha mẹ vui lòng, thường hay mặc áo màu sặc sỡ giả làm trẻ con múa hát cho cha mẹ vui lòng.
Bào ảnh: Bọt nước và bong bóng nước, tức là những thứ tan biến chỉ trong chớp mắt.
Bảo vụ: Tượng trưng cho mẹ.
Bể dâu: Lấy từ câu “Thương hải biến vi tang điền” (Biển xanh biến thành ruộng dâu). Ý nghĩa là cuộc đời biến đổi không chừng, hôm nay còn là biển xanh, ngày mai đã thành ruộng dâu. Trong sách cổ của Trung Quốc có câu: Dĩ kiến Đông Hải tam vi tang điền, nghĩa là “đã ba lần nhìn thấy biển Đông biến thành ruộng dâu”. Người Việt Nam dịch thành “bãi bể nương dâu”, đều mang ý nghĩa cuộc sống biến đổi rất nhanh chóng, không lường trước được.
Bóng khích câu: Khích là khe cửa, câu là con ngựa. Người xưa ví thời gian qua mau giống như bóng con ngựa vụt nhanh qua cửa sổ.
Cầm sắt: hoặc Sắt cầm: Đàn Cầm và đàn Sắt. Hai loại nhạc cụ thời xưa, tượng trưng cho sự hòa hợp của đôi vợ chồng. Kinh Thi có câu: “Thê tử hảo hợp như cổ sắt cầm”.
Cầu ô: Ô thước (cầu quạ), bắt nguồn từ sự tích Ngưu lang Chức nữ vì yêu nhau mà bị trừng phạt mỗi người một nơi, một năm vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, có đàn quạ bắc cầu cho hai người gặp nhau.
Cao đường: Nhà cửa cao rộng, ý nghĩa là nhà cao cửa rộng dành cho cha mẹ ở, tượng trưng cho cha mẹ.
Càn Khôn: Hai quẻ trong bát quái. Càn tượng trưng cho trời, Khôn tượng trưng cho đất. Càn Khôn thường dùng chung chỉ trời đất vũ trụ.
Chỉn e: Chỉ lo rằng, chỉ sợ rằng.
Chạnh niềm: Xúc động ngậm ngùi trong lòng.
Cháo lá đa: Theo tục lệ ngày trước, khi cúng các cô hồn không nơi nương tựa, người ta thường nấu cháo loãng, đựng bằng lá đa cuốn lại để bố thí.
Chín chữ: Chín chữ cù lao, tức là Sinh, Cúc, Phủ, Súc, Trưởng, Dục, Cố, Phục và Phúc (sinh nở, nâng niu, âu yếm, bú mớm, nuôi nấng cho đến khi lớn khôn, dạy dỗ, săn sóc, uốn nắn và chở che. (theo kinh Thi).
Chồi tử: Gốc tử. Gốc gác quê cha đất tổ.
Chưng thường: Tên lễ tế.
Chúng sinh: Tất cả sinh vật, con người sống trên thế gian.
Cố phụ, cố mẫu: Cố là xưa cũ. Ý chỉ cha mẹ lúc xưa kia, nay đã chết.
Cữ, tuần: Theo lịch xưa, Cữ là bảy ngày, Tuần mười ngày.
Cung trần: Kính cẩn thưa trình.
Dạ đài: Đài đêm tối, là cõi chết.
Dương chi: Cành dương liễu. Theo Phật giáo, Quan Âm bồ tát ở Nam hải dùng cành dương liễu nhúng vào bình Cam Lộ, mỗi năm vào lễ Vu lan bồn, rảy xuống các oan hồn nơi địa ngục để cứu độ, giải thoát cho họ được siêu sinh. Cụm từ “giọt nước cành dương” dịch từ chữ “dương chi thủy”.
Dương cơ: Chỉ nhà cửa.
Dương hòa: Khí dương ấm áp của mùa xuân.
Dương lê: Tên một loại cây ngày xưa người ta hay trồng ở các nghĩa địa.
Dương thế: Trần thế, cõi trần.
Dưỡng sinh: Sinh ra và nuôi dưỡng, chỉ công ơn khó nhọc của bậc sinh thành, mẹ sinh ra và cha nuôi dưỡng.
Dưỡng thân: Nuôi dưỡng cha mẹ.
Dung âm: Dung là hình dáng, Âm là âm thanh, tiếng nói.
Đan thanh: Đan tâm. Lòng son sắt thanh cao, lòng thành thành thực.
Đất Kiếp: Vạn Kiếp, một trong những địa danh có chiến công lừng lẫy của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chống quân xâm lược Mông Cổ.
Địa Tạng: Vị Bồ Tát coi sóc âm giới.
Đông A: trong Hán ngữ, chữ Đông và chữ A ghép lại thành chữ Trần (tức là họ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn).
Giấc Hòe: Còn gọi là giấc Nam Kha, bắt nguồn từ sự tích Thuần Vu Thần sống ở đời nhà Đường, trên đường lên kinh tham dự thi cử, nằm nghỉ dưới gốc cây hòe rồi bất chợt ngủ thiếp đi, mộng thấy mình đỗ đạt, được bổ làm Thái thú đất Hòe An. Họ Thuần sống một cuộc đời cực kỳ giàu sang danh vọng, cho như thế mới xứng đáng với đời người nhưng khi giật mình tỉnh dậy, thấy dưới gốc hòe có một tổ kiến thì mới biết đó là giấc mộng, chán nản bỏ về quê không thi cử nữa. Ý nghĩa là công danh phú quý ở đời cũng chỉ như giấc mộng ảo mà thôi.
Giỗ chạp: Theo phong tục Trung Quốc, Lạp là lễ tế vào tháng 12 âm lịch, dần dần người Việt gọi trại đi thành “giỗ chạp”, tức là ngày giỗ và những ngày tế lễ.
Gốc tử: Gốc cây tử, tương tự như cây thị. Trong kinh Thi có câu: “Tang dữ tử tất cung kính chi”, nghĩa là Kia là cây dâu với cây tử, tất phải cung kính vậy. Theo giải nghĩa ngày xưa thì cây dâu và cây tử là những cây do cha mẹ trồng quanh nhà, phận làm con phải biết cung kính quý trọng. “Gốc tử đã vừa người ôm” tức là nói cha mẹ đã già rồi.
Hạc nội mây ngàn: Nội là thửa ruộng, ngàn là dãy núi. Con hạc ở trong ruộng, đám mây trên dãy núi, có nghĩa là tung tích xa xôi vô định, khó nhìn thấy được.
Hạnh đàn: Nơi Khổng Tử giảng học.
Hậu duệ: Con cháu nối dõi dòng họ.
Hậu tự: Con cháu thừa tự việc cúng giỗ.
Hiện hóa: Theo Phật giáo, tất cả chúng sinh đều sinh hóa hóa không ngừng. Hiện hóa tức là đã thoát vòng luân hồi về cõi Niết Bàn.
Hiển linh: Tỏ sự linh thiêng cho mọi người biết.
Hiếu phục: Quần áo để tang cha mẹ.
Hồ điệp: Lấy ở sự tích Trang Chu nằm mộng thấy mình biến thành bướm. Khi tỉnh dậy nói với mọi người: “Không biết tôi mộng biến thành bướm hay hiện tại tôi là bướm đang mộng thành người?”. Ý nghĩa cuộc đời chỉ là ảo mộng.
Hồng trần: Bụi đỏ. Theo quan niệm ngày xưa thì thế gian chỉ là cuộc sống đầy bụi bậm, tranh giành.
Hoàng lương: Là kê vàng. Ý nghĩa giống như trần mộng, tức là cuộc đời chỉ như là giấc chiêm bao mà thôi. Bắt nguồn từ câu chuyện Lư sinh trên đường ứng thí, khi trọ ở một khách điếm có than thở về nỗi cực nhọc của mình với một đạo sĩ, cầu xin được phú quý giàu sang. Đạo sĩ liền bảo Lư sinh nằm trên cái gối ngủ một giấc sẽ được toại nguyện.
Lư sinh nằm mộng thấy mình đỗ Tiến sĩ, lấy con gái vừa đẹp vừa giàu. Bước hoạn lộ của Lư sinh thăng tiến rất mau, chỉ khoảng mười năm là đã nắm chức Tể tướng vô cùng hiển hách, con cháu đông đúc, ai ai cũng giàu sang phú quý. Khi tỉnh dậy, Lư sinh thấy nồi kê người chủ quán đang nấu vẫn chưa chín thì hiểu ngay ý nghĩa mà đạo sĩ muốn chuyển tải cho mình.
Hóa công: Thợ tạo hóa, tức là ông trời. Người xưa cho rằng ông trời là người tạo nên muôn vật rồi lại hóa đi.
Hòm gỗ đa: Hòm bằng loại gỗ rẻ tiền, mau mục nát.
Húy kỵ: Ngày giỗ. Đồng nghĩa với Húy nhật, Húy lâm.
Kiền Khôn: Càn Khôn, hai quẻ trong bát quái, tượng trưng cho Trời Đất.
Khôn nguôi: Không nguôi được.
Khúc Phụ: KInh đô nước Lỗ thời Xuân Thu chiến quốc, nơi Khổng Tử lập ra nhà giảng Hạnh đàn.
Kinh luân: Kinh nghĩa đen là quay tơ, Luân nghĩa đen là bện tơ. Kinh luân được dùng với nghĩa bóng là người có khả năng sắp xếp chính sự, kinh bang tế thế.
Kình nghê: Chỉ chung các loại cá lớn, hung dữ, ăn thịt.
Kỳ phước: Lễ cầu phúc.
Lá ngô: Tức lá cây ngô đồng. Vào mùa thu, lá cây ngô đồng chuyển sang màu biếc nên còn gọi là cây Bích ngô. Cổ thi có câu: “Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu” (Chỉ cần một cái lá ngô đồng rụng, mọi người đã biết là mùa thu đến).
Lá thắm: Sự tích Vu Hựu đời Đường, đi chơi nhặt được chiếc lá đỏ trôi theo dòng nước, trên có một bài thơ. Vu Hựu liền lấy chiếc lá khác đề thơ vào rồi bỏ trôi theo dòng nước vào cung vua. Một cung nữ là Hàn thị bắt được chiếc lá đó, sau này khi được phóng thích thì tìm Vu Hựu và kết làm vợ chồng.
Lễ ngu: Tức lễ Tế ngu, ba ngày sau khi hung táng.
Lễ tuy bất túc, tâm kính hữu dư: Lễ vật tuy chưa đầy đủ nhưng lòng thành kính cẩn có thừa.
Linh sàng: Đồng nghĩa với Linh diên. Sàng là cái giường để thờ cúng.
Linh sảng: Linh thiêng, anh linh.
Linh vị: Bàn thờ linh hồn người đã chết.
Lòng đan: Tức âm khác của Lòng đơn. Mang ý nghĩa là tấm lòng son sắt thành thực của con cháu nhớ về tổ tiên cha mẹ.
Minh dương: Là âm phủ và dương gian.
Mộ phần: Phần mộ, âm phần, u trạch, âm trạch, tức là mồ mả, nơi gửi thân xác của người chết. Vì mồ mả thường ở nơi đồng hoang nên có nhiều cỏ mọc, nên còn được gọi văn hoa là thảo mộ.
Mộng hùng bi: Nằm mộng thấy gấu là sẽ sinh được con trai.
Nại Hà: Tên một chiếc cầu nơi bắt đầu ranh giới âm phủ. Tục truyền khi bước qua cầu, linh hồn sẽ quên hết các chuyện ở dương gian.
Nạp thái: Tên tục lệ dẫn cưới, trao tiền cưới cho nhà gái.
Nam cực: Tượng trưng cho cha.
Nam Tào Bắc Đẩu: Hai vị thần coi sóc về việc sống chết của người trần gian.
Đàn tràng: Đàn trường: Đàn lập để làm lễ giải oan khổ cho người chết.
Não nhân: Làm cho người ta nghe mà buồn bã đến chán nản.
Nếp tử xe châu: Quan tài làm bằng gỗ tử và xe đưa tang có treo rèm bằng ghạt châu. Ý nói việc tang ma chu đáo, trọng hậu.
Ngũ phục: Năm loại y phục dùng trong từng việc tang là Đại tang, Cơ niên, Đại công, Tiểu công, Ti ma.
Ngũ tuần: Năm tuần ngày xưa, tức là 50 ngày.
Nhà Huyên: Huyên đường. Trước nhà có trồng cây Huyên, tức cây hoa Hiên, một loại cỏ thơm, tượng trưng cho người mẹ. Theo người xưa hoa Hiên có tính chất làm quên đi sự lo buồn. Trong kinh Thi có câu thơ “Ước gì có hoa Huyên trồng bên chái Bắc”, là chỗ người mẹ ở.
Nhà Thung: Thung đường hay Xuân đường. Trước nhà có trồng cây Thung hay còn gọi là cây Xuân, tượng trưng cho người cha.
Nhương tai: Lễ giải trừ tai nạn.
Ninh xương: Bình yên tốt đẹp.
Đỗ vũ: Đỗ quyên, Từ quy. Là con chim cuốc, tiếng kêu mang vẻ buồn thảm bi ai. Bắt nguồn từ sự tích Vũ đế nước Thục sau khi chết hóa thành con chim cuốc, kêu gào than thở cho nước mất nhà tan.
Đoạn trường: Đứt ruột, chỉ sự đau đớn bi thương đến mức có thể đứt cả ruột gan.
Đường lê: Là một loại cây nhiều tàn lá, có bóng mát, hoa màu trắng.
Núi Dĩ: Tên núi là Trắc Dĩ trong kinh Thư. Trong truyện Kiều có câu “Suy lòng trắc dĩ, động lòng chung thiên”. Tượng trưng cho người mẹ.
Núi Hỗ: Tượng trưng cho cha.
Phối tế: Tế lễ của người hàng dưới, phối hợp chung với việc tế lễ của người trên.
Phong đăng: Lấy trong câu “Hòa cốc phong đăng”, tức là lúa má được mùa, thời tiết tốt đẹp.
Phụ vị: Đồng nghĩa với tòng tự: Là người không có nối dõi, người chết chưa đến tuổi thành niên, được thờ cúng chung với tổ tiên.
Phục di lưu: Phúc đức để lại lâu dài.
Phù du: Tên một loại bướm có đời sống chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, mang ý nghĩa cuộc sống rất ngắn ngủi.
Phù sinh: Phù là trôi nổi. Chuyển tải ý nghĩa cuộc sống (sinh) con người chỉ là tạm bợ, không ổn định.
Phù tang: Phù trì đám tang, hộ tang.
Phù vân: Mây nổi. Tiền tài thường được ví như phù vân, nay có mai hết rất mau như mây hiện biến trên bầu trời vậy.
Quản, Nhạc, Y, Chu: Tên bốn vị hiền sĩ danh tướng thời xưa ở Trung Quốc, tức là Quản Trọng, Nhạc Nghị, Y Doãn, Chu Công.
Răng đứt răng đành: Tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, có nghĩa “Sao nỡ đứt tình cho đang”
Song thân: Là cha mẹ, cha là phụ thân, mẹ là mẫu thân.
Sông Đằng: Sông Bạch Đằng, nơi Hưng Đạo vương hai lần đại phá quân Mông Cổ.
Sống gửi thác về: Dịch chữ: Sinh ký tử quy. Theo quan niệm xưa kia, con người sống chỉ là tạm bợ, khi chết mới về cõi thật, mới trở về nguồn gốc đã từ lòng đất sinh ra.
Sự tự: Việc tế lễ thờ cúng.
Tâm động quỷ thần tri: Trong tâm suy nghĩ gì thì quỷ thần đều biết.
Tây phương: Nơi Phật và các vị đã tu hành thành chính quả sống, đồng nghĩa với miền cực lạc, cõi phật. Còn gọi là Tây thiên: trời phía Tây.
Tam dương khai thái: Tam dương chỉ ba tháng đầu mùa xuân, ý nghĩa là ba tháng đầu xuân mở ra vẻ rạng rỡ.
Tao khang: Tao là bã rượu; Khang là cám gạo. Y nói tình nghĩa vợ chồng khi còn nghèo khổ hàn vi, phải dùng bã rượu và cám gạo sống qua ngày thì không thể phụ rẫy. Bắt nguồn từ sự tích Quang Vũ nhà Hán định gả chị gái góa chồng là công chúa Hồ Dương cho Tống Hoằng. Vì đã có vợ nhà, Tống Hoằng liền tâu: “Tao khang chi thê, bất hạ đường”, nghĩa là người vợ lấy nhau trong lúc còn phải ăn bã rượu, cám gạo (tức là lúc nghèo khổ) thì không thể phụ bạc được.
Táng tất: Đã chôn cất xong xuôi.
Tảo mộ: Lễ tảo phần, tức là quét dọn mồ mả của người thân cho sạch sẽ. Theo tập quán Trung Quốc, đi tảo mộ thường vào tiết Thanh minh tháng Ba hoặc đi vào tháng Chạp âm lịch.
Tham đố: Đố là con mọt. Ám chỉ những kẻ sâu dân mọt nước, tham lam tiền bạc.
Thanh minh: Theo âm lịch một năm có bốn mùa và sáu tiết. Thanh minh là tiết đầu tiên của mùa xuân, đầu tháng ba.
Thập triết, Thất thập nhị hiền: Là những đệ tử xuất sắc nhất của Khổng Tử.
Thần hôn: Thần là buổi sáng, Hôn là buổi chiều. Ý nói sáng chiều đều hết lòng lo lắng chăm sóc cho cha mẹ.
 Thất phu: Còn có âm đọc là Sất phu. Người dân ở giai cấp thấp kém, không có học vấn.
 Thiên công: Ông trời.
 Thiên kinh địa nghĩa: Ý nghĩa là công ơn của cha mẹ nặng nề sánh như trời đất.
 Thiết vị: Đặt bài vị có viết tên hoặc hiệu của người chết để thờ cúng.
 Thiều quang: Ánh sáng mặt trời. Trong truyện Kiều có câu Thiều quang chín chục ám chỉ ánh sáng mặt trời rạng rỡ vào ba tháng đầu mùa xuân (Tam dương khai thái).
Thôi y: Quần áo tang.
Thọ chung: Hết tuổi thọ, tức là đã chết, từ trần.
Thoi đưa: Thời gian qua mau tương tự như con thoi thoăn thoắt trong cửi dệt.
 Tiền tước: Tước vị khi người còn sống.
 Tơ hồng: Chỉ việc nhân duyên. Theo sách “Khai Nguyên thiên bảo di sự” thì Tể tướng Trương Gia Trinh nhà Đường muốn gả một người con gái cho Trương Nguyên Chẩn nhưng đắn đo không biết chọn ai. Họ Trương liền để năm người con gái đứng sau màn, mỗi người cầm một sợi tơ màu sắc khác nhau xuyên ra ngoài. Nguyên Chẩn chọn sợi tơ đỏ, lấy người được người con gái thứ ba, đẹp nhất trong năm người.
 Tĩnh đàn: Đàn thờ thần thánh của các pháp sư, đạo sĩ.
 Trâm gãy bình rơi: Ý nghĩa là người phụ nữ yểu mệnh, chết bất đắc kỳ tử giống như cành trâm cài đầu bị gãy, bình hoa rơi vỡ bất ngờ. Sau mở rộng nghĩa ám chỉ người đã chết.
 Trăm năm: Dịch nghĩa từ chữ Hán “bách niên, bách tuế”. Nghĩa bóng chỉ cuộc đời một người nhiều lắm cũng chỉ đến 100 năm mà thôi.
 Trần ai: Bụi trần.
 Trân cam: Ngon ngọt. Ám chỉ các loại thức ăn quý giá ngon ngọt mà người con hiếu cung phụng cho cha mẹ.
 Trần mộng: Quan niệm ngày xưa, xem cuộc sống chỉ như giấc mộng.
 Trường dạ: Đêm dài, ý nói đến chốn âm phủ luôn luôn là một màu đen tối tăm như đêm dài không thấy ánh sáng.
Tư thân: Nhớ về người thân hoặc nhớ về cha mẹ (Thần tử sự thân: con cái phải thờ cha mẹ).
 Tứ phối: Bốn vị hiền nhân có công với sự nghiệp Nho giáo là Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư và Mạnh Kha.
 Từ hiếu: Lấy ở cổ ngữ “Phụ từ tử hiếu” (Cha hiền từ, con hiếu thuận).
 Tử lý: Tử phần. Tử và Phần là hai loại cây ám chỉ quê hương.
 Tử phần: Trong kinh Thi có câu: “Cây dâu cây tử là do cha mẹ trồng ra, tất phải cung kính coi trọng”. Sau này hai chữ Tang Tử được dùng với ý nghĩa chỉ quê nhà. Đến thời nhà Hán, Hán Cao tổ Lưu Bang vốn quê ở Phần Du, khi lên ngôi trở về quê hương nên Phần Du còn có ý nghĩa chỉ quê nhà. Hợp hai chữ lại thành Tử Phần đều có nghĩa là quê cha đất tổ.
 U hiển: U là tối, hiển là sáng rõ. Chớ nề u hiển nghĩa là đừng phân biệt người chết ở cõi âm với người sống ở cõi dương.
 U minh: Nơi tối tăm tột cùng.
 Vân cẩu: Đám mây trên bầu trời có hình dáng giống như con chó. Lấy từ câu thơ cổ: “Vân cẩu hốt biến vi bạch vân” (mây hình con chó chợt biến thành mây trắng). Ý nói cuộc đời thay đổi bất chợt, nay thế này mai thế khác, không có gì là vĩnh cửu.
Vạn cảnh giai không: Theo Phật giáo, tất cả mọi việc trên đời đều là hư ảo, không có thực.
 Vạn tượng canh tân: Mọi cảnh sắc đều được thay đổi thành mới mẻ.
 Vô tự: Không được cúng giỗ, thờ tự.
 Vu quy: Con gái về nhà chồng.
Xích thằng: Dây tơ hồng (điển tích Vi Cố đã có ở trên).
 Xuân đường: Chữ văn chương để chỉ người cha. Xuân là một loại cây cổ thụ, có tuổi thọ cao. Theo ghi chép của Trang Tử thì: “Thời thượng cổ có giống cây đại xuân, cứ 8000 năm mới qua một mùa. Xuân đường có ý nghĩa mong mỏi cho cha được sống lâu dài, mạnh khỏe.
Yển Tức: Theo quan niệm xưa thì đền Yển Tức là nơi các linh hồn mới mất đang chờ phán xét có được siêu thoát hay không.


GIẢI THÍCH CÁC TỪ HÁN VIỆT VÀ THUẦN VIỆT GIẢI THÍCH CÁC TỪ HÁN VIỆT VÀ THUẦN VIỆT Reviewed by Xinh Blog on 14:47 Rating: 5

1 nhận xét: