Phong thủy hiểu theo ý nghĩa nhập môn cho những người mới



PHONG THỦY VÀ NHÀ CỬA  

Trước hết tác giả xin được xác nhận ngay, bài này không được sắp vào loại khảo cứu; cũng lại càng không được xem là có giá trị tham-khảo cho những loại bài viết có đề tài tương tự. 


Đây chỉ là một trong những phần tìm hiểu liên quan đến phép Phong Thủy mà người viết đã có đôi lúc đem áp dụng vào nghề nghiệp…. đặc biệt, tác-giả xin riêng tặng đồng môn Đặng-Vũ-Thám, vào dịp gia đình sửa soạn xây cất biệt thự mới tại Brisbane, Aus.

Bài Viết từ Blog của tác giả Thiên Việt -  Chuyên viết tiểu thuyết Kinh dị, sách Khoa Học Huyền Bí và Almanach
Link: thienviet.wordpress.com/2012/03/03/phong-th%E1%BB%A7y-nh%E1%BA%ADp-mon/

1/. Hiểu Phong Thủy theo cách thông thường

Phép Phong-Thủy cũng như khoa Tử-vi được phát xuất bên Trung-Hoa từ thời sơ cổ. Theo Hoa ngữ, Phong (Feng) : Gió, Thủy (Shui) : nước. (Xin hiểu Feng Shui là phiên âm từ tiếng Trung-Hoa để chỉ “phong thủy” được dùng trong các tài-liệu viết bằng Anh ngữ). Đây là môn học thuật bao gồm phần lý-thuyết và ứng-dụng đặt trọng tâm vào Khí (Chi’).

Trong thời gian tự tìm hiểu Phong Thủy, tôi đã được dịp xem một số sách biên khảo, trong đó có sách viết bằng chữ Việt, nhưng phần nhiều là tài-liệu Anh ngữ. Thậm chí có lần được tiếp xúc với ông thầy Phong Thủy người Trung-Hoa đã đến từ Hồng-Kông, được ngồi lắng nghe ông giảng nghĩa một cách khó khăn, trong cả giờ đồng hồ về Phong Thủy (tất nhiên bằng vào vốn liếng Anh ngữ của một vị cao niên về đề tài này).

Nghĩa của “Khí” rất trừu tượng. Không thể dễ dàng, căn cứ vào từ-ngữ, để trực tiếp định nghĩa thế nào là “Khí” cho được thỏa đáng. Tạm thời chỉ xin đơn cử một vài thí-dụ, tự nó đã giúp người viết hiểu được một phần nào cái nghĩa của “Khí”.

Trong đời thường, người ta hay nói : ‘ Bộ mặt sát khí đằng đằng’, ‘ Mặt thằng cha đó không có khí sắc’, ‘Căn nhà, hay cảnh vật này trông thật ảm đạm, không có sinh khí’… Người viết, kể từ đó và cho đến bây giờ, đã hiểu được cái nghĩa trừu tượng của “Khí” là như thế.



Khí“, trong phép Phong Thủy được dùng để chỉ “nguồn khí lực” hiện diện bàng bạc trong thiên nhiên, ảnh hưởng sâu đậm trên con người. Tương tự, con người cũng có một nguồn “năng lực” riêng, còn gọi là “nhân điện”; thể hiện sự sống của mỗi một cá nhân, đang tồn tại trong môi sinh. Nếu tạo được sự hòa hợp thuận lợi cho hai “lực” này, là người ta đã thực hiện được cái mục đích của phép Phong Thủy rồi vậy!



Công trình tìm hiểu “Khí“, từ khởi thủy đã phối hợp chặt chẽ với khoa lý số, tử-vi cùng cách thức ứng-dụng. Tuy nhiên điểm chính yếu, được nêu ra và phải công nhận, là cả hai đều được đặt nặng vào “lòng tin-tưởng” của mỗi người trong kinh nghiệm ứng dụng (nếu không muốn nói là một chút “dị đoan” và một chút “mê tín” như thường thấy trong các môn bói toán). Đó là cách phối hợp khí lực giữa trời đất, âm dương cùng vạn vật mà các nhà biên khảo đã dầy công tìm hiểu và diễn đạt phép Phong Thủy qua đối tượng Thái-Cực, Lưỡng Nghi, Tứ Tượng và Ngũ Hành. Vắn tắt, tác giả đã chỉ hiểu được cái nghĩa của “Khí”, rất đơn giản, như là chất liệu vô hình tiềm ẩn trong thiên nhiên, và được tin-tưởng rằng đã chi phối con người còn đang sống hay đã chết trong môi sinh đó (gồm có vũ-trụ, sông núi, đất đai, và nhà cửa).

Do đó phép này có liên hệ xa gần đến cả khoa Địa-Lý và Địa-Chất học. Người sử dụng và hành nghề Phong Thủy, do đó từ xưa còn được gọi là thày Địa Lý.



Vì Khí có 2 loại Khí Âm và Khí Dương cho nên phép Phong Thủy đã tự nó được chia thành hai trong phần ứng-dụng đó là :

– Âm phần : áp dụng cho người chết.


Dương phần : áp dụng cho người sống.

Vì con người, khi còn sống là phải sống “cùng”, sống “với” và sống “trong” cái môi trường liên hệ. Con người, tất nhiên phải hấp thụ “Khí”, thành thử đã mẫn cảm được Khí. Từ đó, sự kiện đã được diễn dịch, dựa thêm vào “lòng tin” rằng con người có cuộc đời an vui, hạnh phúc là khi được sống trong môi trường thích hợp, thuận lợi, có sự hỗ-tương của vùng “sinh Khí” hay “vượng Khí”. Ngược lại một cuộc đời thiếu may mắn, bất hạnh sẽ được tin là bị đặt để trong một môi-trường kém sinh Khí, thường gọi là “ám Khí” hay “tử Khí”.

Âm phần như đã được đề cập, liên hệ đến người “chết” (Âm Khí). Đó là một diện của Phong Thủy, các thầy Địa-Lý chuyên việc tìm kiếm đất đai, và phương-hướng để chọn đặt mồ mả cho cha mẹ, ông bà, hay an vị hài cốt tổ tiên. Nhờ vào sự cớ của ‘âm phần’ tốt (do thầy Địa-Lý), người ta đặt tin tưởng là sau này có ngày con cháu làm ăn “phát đạt”, hoặc còn gọi là “bốc” để chỉ sự hưng thịnh này sẽ đến vào thời vị lai.
Riêng trong bài viết sau đây, Dương phần là phần săn sóc cho người sống (như quí vị và tôi là những người còn nặng nợ trên thế gian này). Đó là việc “lựa” đất và “chọn” hướng tốt để dựng nhà dựng cửa. Ngoài ra, cũng vẫn nằm trong phép Phong Thủy; đó là việc ‘cải sửa’ từ sự xấu trong cái hiện hữu trở thành tốt, hay ít ra cũng làm cho bớt xấu đi. Đấy là cách phối-trí, sắp đặt lại phòng sở để đưa đến sự tin tưởng là nhờ vào đó mà trở nên bớt sui trong căn nhà đang cư ngụ, hay văn phòng làm việc hoặc cơ sở thương-mại đang làm ăn…

2/. Âm-dương và Ngũ Hành
Tương tự như Khoa Tử-Vi tướng số, phép Phong Thủy liên hệ mật thiết tới Lý Số, Âm-Dương và Ngũ Hành. Mục-đích khảo sát, tìm hiểu và suy diễn sự tương quan, sinh và khắc giữa vạn vật trong trời đất, đặc biệt áp-dụng riêng cho con người trong môi trường liên hệ.



 – Âm Dương : được thể hiện bởi hai đối tượng, cụ thể hay trừu tượng, hiện diện trong trạng thái cực đoan như nam/ nữ, mặt trời/ mặt trăng, cứng/ mềm, ngày/ đêm, nóng/ lạnh v..v.

Để bổ khuyết cho sự tích cực đối nghịch này, thông thường người ta chọn ở phần giữa, “lưng chừng”, nhắm dung hòa hai giá trị khác biệt của thái cực hầu mang lại một sự “hài hòa” trong cuộc đời.

– Ngũ Hành : Theo nghĩa từ ngữ, đó là năm (5) Hành, hay 5 thể chất thiết yếu được cấu tạo trong thiên-nhiên. Ngũ Hành theo đó được kể gồm có: Mộc (gỗ, cây cối); Hoả (lửa); Thổ (đất); Kim (kim loại); Thủy (nước). Qua những công trình khảo cứu, các nhà Bác Vật đã kết luận sự sinh tồn trên trái đất sẽ phải chấm dứt nếu thiếu mất một trong 5 thể này.

– Sự tương Sinh của 5 Hành như sau :

Mộc sinh Hỏa (Gỗ sinh Lửa)
Hỏa sinh Đất (Lửa sinh Đất – nhưng cần có gỗ)
Thổ sinh Kim (Đất tạo thành quặng mỏ)
Kim sinh Thủy (Kim khí giữ nước)
Thủy sinh Mộc (Nước nuôi dưỡng Cây)

Và tương Khắc của 5 Hành như sau : 

Mộc khắc Thổ (Cây tiêu thụ Đất)
Thổ khắc Thủy (Nước bị đất bồi đắp)
Thủy khắc Hỏa  (Nước làm tắt Lửa)
Hỏa khắc (Lửa làm chẩy Kim loại)
Kim khắc Mộc (Dao cắt Gỗ)

– Mầu sắc liên hệ trong Ngũ Hành : 

Mộc: mầu xanh, xanh lá cây
Hỏa: mầu đỏ
Thổ: mầu vàng, mầu đất
Kim: mầu trắng, mầu phấn (pastel)
Thủy: mầu đen, mầu xám tro, than.
Trong hai trường hợp ‘tương sinh’, ‘tương khắc’ vừa kể : Một là tạo sự phối hợp, điều hòa và hỗ trợ cho sự sống, bảo tồn duy trì sự hiện diện của hai vật thể tương sinh lẫn nhau. Hai là phát sinh sự không hòa đồng, ngược lại còn có tác dụng tiêu hao, làm hao tán hai thể chất kề cận.

Xa hơn chút nữa, cả hai còn được phân biệt: sự ‘sinh nhập’ có lợi điểm hơn sự ‘sinh xuất’. Thí dụ : trong sự tương Sinh, Mộc sinh Hỏa; Mộc coi như ‘sinh xuất’ (tức là sự phù trợ có khuynh hướng “mất” đi), Còn Hỏa được ‘sinh nhập’ (tức là được nhận vào). Trong hình thức tương Khắc cũng vậy, Thủy khắc Hỏa; Thủy được coi như ‘khắc xuất’, còn Hỏa ngược lại là ‘khắc nhập’.
3/. Hai ‘Học Phái’ chính của phép Phong Thủy
Tùy thuộc vào phương pháp khảo cứu và ứng dụng, Phong Thủy tạm coi như có hai học phái chính :
PHÁI TƯỢNG HÌNH (Form School of Feng Shui) : Dựa vào môn hình-thái-học, nhìn để quan sát, xác nhận 5 hình thể của ngũ-hành có trong thiên nhiên. Thí-dụ :
— Mộc (Gỗ – cây cối) : Chỉ những vật thể có đỉnh bằng mặt; Biểu tượng cho sự phát triển thẳng đứng và sự chuyển động.
— Hỏa (Lửa) : Áp dụng cho những vật thể có đỉnh nhọn; chỉ sự bành trướng, đàn hồi và có nhiệt năng.
— Thổ (Đất) : Áp dụng cho những vật thể có mặt bằng phẳng và được trải rộng; mang ý nghĩa vững chãi và tin tưởng.
— Kim (Kim loại) : Chỉ vật có đỉnh tròn; có nghĩa co rãn, chất lượng đông đặc
— Thủy (Nước) : Chỉ loại vật thể mà bề mặt có nhiều vết nứt, rãnh xâu (để nước); mang tính đàn hồi, liên lủy, tích tụ rồi phân tán.
PHÁI TƯỢNG LÝ hay Lý Học : Sự quan sát dựa trên dụng-cụ được đặc chế cho phép Phong Thủy mà các thầy Địa-Lý thường dùng.
Bát Quái hay địa bàn dùng trong Phong Thủy gồm hai phần: phần giữa, trung tâm, hình tròn biểu hiệu cho Thổ (Đất). Phần chung quanh được chia thành 8 cạnh (hay Cung, hay Quẻ) đều nhau, do đó gọi là Bát Quái. Mỗi Cung được mang một tên, biểu hiệu bằng những gạch ngang (gạch liền hay đứt quãng). Tám cung vừa trình bầy của đồ hình, ghi nhận những phần liên quan đến đời người, thí-dụ như: Trí tuệ, sức khỏe, nghề nghiệp, hôn nhân hạnh phúc, con cái, sự thịnh vượng..v..v.
Nhằm đơn giản hóa Bát Quái, ta hãy hình dung ra một bản Vẽ hình Vuông, được chia ra làm 3 phần đều nhau với mỗi cạnh là 3 ô vuông nhỏ. Tổng cộng có chín ô trong hình vuông này (giống như loại cờ “Tíc Tắc Tô”). Tám ô chung quanh tương ứng với 8 cung của Bát Quái (hay còn gọi là Quẻ), ô thứ chín ở trung tâm được coi như là địa bàn (Thổ). Mầu vàng và mầu đất.
Sau đây là thứ tự lần lượt gồm vị-trí, tên và ý nghĩa cho mỗi ô của bản Vẽ (Cung trong Bát quái) :
a/ Bốn ô ở 4 góc:
Góc trên/ Trái  (t/ T) : Sự thịnh-vượng, (Mầu xanh, đỏ và tím)
Góc trên/ Phải  (t/ P) : Tình yêu, hôn nhân, (Mầu đỏ, hường và trắng)
Góc dưới/ Trái (d/ T) : Kiến thức, (Mầu đen, xanh và lá cây)
Góc dưới/ Phải (d/ P) : Quí nhân, du-lịch, (Mầu trắng, xám và đen)
b/ Bốn ô ở giữa:
Giữa Trên (g/ Tr.) – Hỏa:   Tiếng tăm (fame/ reputation). Mầu đỏ.
Giữa Dưới (g/ D)   – Thủy:  Nghề nghịệp. Mầu đen và mầu có sắc đậm (darktones)
Giữa Trái (g/ T) - Mộc:  Sức khỏe, gia-đình. Mầu xanh và lá cây.
Giữa Phải (g/ P) - Kim:  Con cái, sự sáng tạo. Mầu trắng và mầu phấn (pastel)

NGHỀ NGHIỆP VÀ PHONG THỦY

Ngay từ những năm đầu tiên trong vai trò thiết kế đồ-án kiến-trúc, phần đông các thân chủ tôi có dịp tiếp xúc, cũng có một số người (kể cả Á-Châu và người dân địa-phương Bắc Mỹ) muốn áp-dụng phép Phong Thủy vào công trình xây dựng của họ.
Trong văn-phòng tổ-hợp KTS chỉ có tôi là người Á-Châu, tất nhiên dễ bị ngộ nhận với người Hoa; mà Phong Thủy được xuất sứ từ Trung-Hoa, cho nên họ yêu cầu tôi phụ trách việc này. Tôi thường không gặp mấy khó khăn, vì những Sơ đồ thiết kế chung quyết (Schematic design stage) được đề cập, may mắn chỉ phải sửa đổi đôi chút trên đồ án, hoặc điều chỉnh một vài chi tiết không mấy khó khăn ngoài công-trường; cho phù hợp với những điều thân chủ đã đặt niềm tin và muốn thêm thắt hay cải sửa theo lời ông thầy Phong Thủy (!).
Trường-hợp 1.
Chúng tôi phụ trách thiết kế cho một khách sạn 4 Sao (Four points Sheraton Hotel). Trong ban giám đốc điều hành, nhóm đầu tư có cổ-phần cao nhất lại là Á-châu (người Tàu ở Singapore); cho nên trên nguyên tắc họ có quyền quyết định tối hậu trên mọi vấn đề. Nhóm thương-gia này còn đứng tên chủ nhân một hãng xe Nhật khá lớn ở cùng địa phương, có tên là Vancouver Honda.
Cửa trước vào khách sạn mở và đóng tự động. Hơn nữa còn được thiết kế để có thể mở rộng tối đa cho xe hơi qua lọt. Họ muốn trưng bầy những kiểu xe mới nhất trong năm tại giữa khu sảnh đường của khách-sạn. Chúng tôi do đó đã chọn loại cửa có 4 cánh tự động (sliding doors), được di chuyển về hai bên để chừa một khoảng trống tối đa hơn 2 mét rưỡi (mỗi khi cần dùng) cho một chiếc xe hơi qua lọt.
Vào lúc cuối thời kỳ xây cất, sau khi cửa chính đã được gắn xong suôi, người chủ mới từ Hồng-Kông về sau chuyến du-lịch; đã đem theo ý-kiến của một thầy Phong Thủy của họ :
– “Yêu cầu quí vị sửa làm sao cho cánh cửa khi mở ra phải phù hợp đúng với con số ‘17’ “.
Nghe qua điện thoại, tôi bèn hỏi lại : – “Họa đồ được vẽ với hệ-thống đo-lường Imperial gồm ‘inch’ và ‘foot’, như thế con số ’17’ như quí vị muốn sẽ là ước-số hay bội-số của ’17’ có phải không ?”
Câu trả lời đến với chúng tôi là “muốn làm cách nào cũng được, chỉ cần có sự phù hợp con số ’17’ là okay cho phần cửa mở !”.
Sau đó, một lần nữa, tôi căn cứ vào chiều ngang của một chỗ đậu xe trong bãi đậu (parking lot) để tính sao vẫn đủ rộng cho một xe Hoa-Kỳ Deluxe qua lọt, và đồng thời phù hợp với ‘con số’ Phong Thủy.
Trước khi công bố, tôi kêu điện-thoại để phối kiểm với Matthew, giám-đốc công-trường :
– “Keith đó hả. Cho tôi biết kích thước thật đích xác của cửa chính vào khách sạn đi. Lúc cánh cửa này được mở rộng hết cỡ, đo được là bao nhiêu ?”
Vẫn cái giọng Scottish quen thuộc của hắn :
– “Trong shop drawing ghi là 8 feet và 10 inches.”
– “Tức là 106 inches ! Này, liệu thu hẹp lại 4 inches có được không ?”
Câu trả lời ở đầu giây rất tự nhiên :
– “Yes, cái đó thì ‘no problem’. Tôi bảo Jason nó adjust lại hệ-thống computer, tự động sẽ thu hẹp xuống 4 inches cho ông. Như thế là được chứ gì.”
– “Đúng rồi ! Có nghĩa là cánh cửa mỗi bên chỉ thu hẹp đi 2 inches thôi; phải không !?”
– “Nhớ chắc chắn là cửa sẽ mở rộng chỉ 102 inches thôi nghe chưa Keith, bội số của ’17’ đó mà. Này, khi làm xong tôi sẽ đến kiểm soát lại để trước khi mời chủ nhân tới coi. Bữa nào đi ăn lunch, okay nghe Keith !”
– “Yes ‘boss’, no problem !”  
Trường hợp 2.-
Một công trình thứ hai, xây cất khác, cũng là một khách sạn, vừa mới được công nhận hạng 5 Sao, tại Victoria, thủ-đô của tỉnh British Columbia, Canada. Tương tự như trường hợp trên, phép Phong Thủy cũng lại xía vào trong khi phần xây cất đã xong 75%. Theo đó chúng tôi phải thiết kế và xây lại hướng cửa chính cho khách sạn; thay vì thẳng góc với mặt đường, bây giờ cửa mở ra sẽ làm thành góc 45 độ.
Cửa mới, khi được sửa xong, sẽ đâu mặt qua phía một khách sạn Empress Hotel, có tiếng tăm và đã được xây từ trước năm 1890, cách xa khoảng ba, bốn trăm thước.
Cũng theo lời giải thích của một thầy Phong Thủy, nhờ cửa chính sau khi được chuyển hướng, sẽ thu hút hết những du khách từ Empress Hotel về phía khách sạn mới (!)
Văn-phòng kiến-trúc của chúng tôi và hãng thầu xây cất hoàn toàn không phản đối vì khách hàng chịu chi phí thêm cho việc sửa đổi này.
Sau khi bước ra khỏi phòng họp, nhóm chúng tôi chỉ nhìn nhau mỉm cười kín đáo trong ánh mắt. Sau đó cùng có chung một ý nghĩ là ‘ông thày’ sẽ nghĩ sao nếu có “sự phản hồi” ảnh hưởng; nghĩa là ‘du-khách của khách sạn mới’ sẽ bị “hấp lực” mạnh hơn, thu hút về hết Empress Hotel. Liệu ông ta sẽ ăn nói thế nào với chủ nhân (?)


Ghi chép tản mạn (một vài kinh nghiệm liên hệ với Phong Thủy)
Nhân dịp chúng tôi ghé San Diego, Nam Cali năm 97, thăm vài người bạn học cũ. Trong bữa cơm thân mật tại nhà anh chị San, chúng tôi được nghe chuyện của anh Nam :
– “ Năm nay tụi tôi toàn gặp chuyện xui anh ạ. Trước hết tôi đang bị phản đối về việc dùng địa-chỉ hiện cư ngụ, lý do là chưa đủ thời gian đòi hỏi để được nominated. Thứ nữa họ khui ra việc tôi trả tiền mặt cho vài người Mễ đến nhận công việc cắt cỏ; việc đã xẩy ra từ mấy năm trước nữa.”
– “Trường hợp nào khiến anh gặp những chuyện không vui đó ?”
– “ Đây là dịp tôi vận động để được chọn làm Commissioner của khu vực. Không ngờ tất cả mọi chuyện, tưởng là không ai biết thế mà bây giờ họ khui ra hết. Căn nhà hịện gia-đình tôi ở là vừa mua lại với một giá hời. Nhưng xui quá, chỉ mới cư ngụ gần nửa năm mà biết bao chuyện đã xẩy ra, anh thử nghĩ xem : xe Duyên đậu ở chỗ parking trên phố mà cũng bị đụng nát, may mà bà nhạc tôi thoát chết; rồi con gái cũng bị đụng xe, không may anh bạn trai của cháu chết, còn cháu phải nằm nhà thương mất mấy ngày. Riêng tôi như vừa kể với các anh, lần này ra tranh cử thì bị gặp toàn những chuyện bực mình.”
Tôi buột miệng hỏi :
– Thế căn nhà anh đang ở thấy có gì lạ không ?
Anh Nam sau một phút suy nghĩ, trả lời :
– Tôi cũng không nhớ chắc chắn được điều gì. Anh có ý kiến gì không”  ?
– Anh hãy thử nhìn ‘thẳng’ từ cửa trước xem lối vào có bị đối chiếu với một góc cạnh nào của tường nhà đối diện không. Nhất là nếu nhìn thấy phía đầu hồi của mái nhà…
Sau một phút đắn đo, anh bạn đề nghị :
– Hay là thế này, tiện dịp chúng tôi mời các quí vị lại chơi ngày mai. Nhân tiện nhờ riêng anh coi dùm cho căn nhà tôi luôn thể.
Hôm sau….Khi đến nơi, vừa bước chân xuống xe tôi đã nhìn thấy tấm gương bát quái treo phía trên cửa trước. Như tôi dự đoán, cửa chính căn nhà đã bị chắn ngang bởi cả một cạnh tường lẫn cái đầu hồi của nhà đối diện. Tôi không hỏi thêm chi tiết riêng tư về người chủ cũ (chắc chắn phải là người Á-Châu) hoặc chính anh Nam đã biết cách trấn yểm bằng phép Phong Thủy. Không những thế, sau phần quan sát tôi còn nhìn thấy 5 sợi giây gồm 5 mầu khác nhau (giây ngũ sắc) được căng ngang mái phụ ở trên lối vào cửa trước. Năm sợi giây vừa kể, được sắp xếp như khuôn nhạc trong bài hát, có lẽ nhắm hóa giải (cắt đứt) cạnh tường thẳng đứng xoáy trực tiếp vào cửa nhà của anh Nam và chị Duyên ở phía bên này con đường.

Một chuyện khác : – Vợ chồng cụ Hunt gốc người Ăng-Lê. Tôi được dịp quen biết là vì làm cùng một ngành với người con trai thứ của cụ tên là Ray. Tôi thích ngồi hàng giờ để nghe cụ bà kể lại những kỷ niệm xưa với một giọng nói còn rặt British. Cả hai cụ đã ngoài bẩy mươi, nhưng còn rất khỏe mạnh. Cụ ông lớn tuổi hơn, vì cả đời làm việc, được tiếp xúc với nhiều người nên giọng nói của cụ nhẹ và dễ nghe hơn so với cụ bà.
Cụ bà có năng khướu về văn chương, hội họa và kèm thêm những nhận xét tế nhị về cuộc đời. Những lần gặp gỡ cụ, tôi thường ngồi nghe nhiều hơn là nói.
– “…Bây giờ họ (người Mỹ) là như vậy đó ông ạ. Phim xi-nê chính là phản ảnh của xã-hội Mỹ chứ còn gì nữa. Trai gái hễ gặp mặt chỉ có mỗi một cảnh là ‘câu mỏ nhau’ như cá đớp mồi, rồi thì tiếp đến là cởi áo, cởi quần; kết cục cũng lại đi đến cái cảnh đè nhau ra’… Thế là xong ! Chứ đâu như cái thời của chúng tôi…”.
Một lần tôi được nghe cụ tâm sự rằng kể từ khi dọn nhà ra gần bờ nước để được hưỏng cảnh ‘ocean view’ (!), thì bỗng dưng cụ ông hay đi câu cá hơn là cái thú ngồi nhà đọc sách trước đây. Cụ bà tỏ ý không vui vì nhiều khi cụ ông đi cả ngày làm cho người ở nhà lo lắng.
Tính tò mò, nên trong một lần viếng thăm cụ Hunt, tôi yêu cầu cụ dẫn đi coi chung quanh nhà. Khác với ngôi nhà cũ hình vuông, căn nhà mới của cụ Hunt được xây hơi giống hình chữ “L” nên nếu đem so với bản đồ Bát Quái thì bị thiếu mất ô vuông “Góc trên/ phải”, biểu hiệu cho ‘tình yêu và hôn nhân’. Hiện giờ chỗ này là hàng hiên lộ thiên (open deck) được nối liền với phòng ăn bằng một loại cửa kéo làm bằng kiếng (patio door). Nơi đây hai cụ có kê một bộ bàn ghế để ngồi hóng mát; lại có gắn thêm một cái dù lớn để che nắng buổi trưa.
Tôi khen cụ bà khéo bầy biện, nhưng đồng thời đề nghị cụ treo thêm vài chậu bông gồm tập hợp các loại hoa mầu đỏ, hường và trắng. Những hoa này mang mầu sắc tượng trưng cho ‘tình yêu và hôn nhân’ sẽ hợp với cái lồng đựng ngũ cốc, đồ ăn cho chim được treo trên cột tại góc của cái deck; Những “cách” va` “vật” được thêm thắt vừa kể, sẽ tạo nên sức tác động khiến “Khí” hội tụ và luân lưu trong cái phần thiếu xót. Nhờ thế mà liên hệ tình cảm giữa hai cụ, tin tưởng sẽ được ‘hâm nóng’ lại sau mấy chục năm chung sống.
Vài tháng sau tôi gặp Emi, vợ của Ray, cô vui vẻ nói với tôi :
– “Sao, khỏe không ? Lâu mới gặp anh. Công việc vẫn bình thường chứ ?”
– “Cám ơn, tôi vẫn bận bịu như thường lệ. Sao cô thế nào, còn Ray ra sao ? Có gì lạ không ?”

Emi mỉm cười kín đáo trả lời tôi :

– “Này, cái điều mà trước đây anh chỉ cho tôi, coi bộ nó working ! Tôi phải cám ơn anh nhiều lắm.”
Phải mất một khắc sau tôi mới nhớ ra cái ý kiến mà tôi đề nghị với Emi mấy tháng trước.
Số là cô gặp phải ông chồng quá bossy (tạm gọi là bắt nạt vợ), lúc bấy giờ nghe cô tâm sự tôi đã buột miệng đề nghị Emi thử treo một tấm gương soi trên mặt tường đối diện với chân giường, bên phía cô nằm. Đó là chiếc gương bình thường chiều ngang bốn tấc, dài thước hai là loại gương các bà thường hay đứng phía trước để ướm thử áo quần, ‘điểm phấn, tô son’.

Tương tự trường hợp treo gương trong phòng ăn (như đã được trình bầy ở đoạn trên), sự phản chiếu tạo thêm hình ảnh của Emi như ‘hai mà là một’ (double figures). Nhờ đó mà tin rằng ‘nhân điện’ cũng được hai phần tăng thêm, hầu quân bình được sự “lấn át” của anh chồng, trong lúc Ray hiện diện chỉ với “nhất’ nhân, “nhất” điện.

– “Ray coi bộ đỡ bossy around hơn trước – Emi tiếp tục câu chuyện – Nhưng lúc nào cũng có vẻ như bị pressure, khiến bồn chồn, bứt rứt, tự dằn vặt lấy mình bởi những chuyện không đâu; thay vì lúc trước thường đổ quặu với tôi.”

Trước khi chia tay, cô còn nói them :

– “Hôm nào rảnh anh ghé lên đảo chơi. Bà già in-law của tôi có ý nhắn mời anh mà tôi chưa kịp điện thoại. Cụ ông gần như hết muốn đi câu rồi. Anh biết không, mọi lần fishing gear bị hư là ông mang đi sửa ngay lập tức; Bận này không hiểu sao ông lười biếng đem vứt vào một xó trong garage không thèm sửa nữa. Gần tháng nay ông chuyển qua trồng bông, làm vườn; loanh quanh luẩn quẩn ở nhà. Bà cụ mẹ chồng tôi tỏ vẻ hài long lắm !”

PHẦN TẠM KẾT:

Phép Phong Thủy cũng như các khoa bói toán lý số, tử-vi sở dĩ còn được duy-trì đến bây giờ là nhờ ở lòng tin vẫn tiếp tục tồn tại trong con người. Sự tin-tưởng đó, từ xưa, đôi khi cũng được thể hiện một cách thái quá; nên đã đưa đến cảnh mê tín, dị đoan. Tệ trạng này được coi là một trong những loại hủ tục của xã-hội cần phải được từ bỏ.
Nói chung, cách phối-trí trong phép Phong Thủy, là nghệ- thuật bầy biện, trang hoàng gia-cư của người Trung-Hoa (Art of placement); có thể đem so sánh ngang với môn học về trang-trí nhà cửa (Interior Design) của Tây phương. Do ảnh-hưởng về địa-lý thiên nhiên, văn-hóa và truyền thống của giống nòi, mỗi dân-tộc có riêng một phong-tục và triết-lý sống khác nhau; và đặc biệt là cách thiết-kế nơi chốn cư ngụ của họ.
Trong cuộc sống hiện tại, không phải ai cũng tin vào những điều ghi chép trong phép Phong Thủy. Tuy nhiên nếu ta đem áp dụng những điều này một cách đúng đắn để phối-trí, sắp đặt lại phòng sở của ngôi nhà đang ở; ít nhất cũng đã tạo được sự ngăn nắp, gọn ghẽ và tinh khiết trong căn gia-cư.
Kết quả là mỗi người chúng ta đều được thụ hưởng một môi trường sống thoải mái, bình an sau một ngày làm việc mệt nhọc. Một ngày ‘cũng như mọi ngày’ trong cuộc đời thường, ai nấy đều biết, có đầy dẫy những trương lực, kèm theo không thiếu gì những vấn đề cần phải giải quyết./
Nguyễn Ngọc Tùng
* TGTL có sửa chữa trong bài viết những câu cho đúng nghĩa hơn. Bài do Huỳnh Thị Mỹ Nhàn post đến
 

Phong thủy hiểu theo ý nghĩa nhập môn cho những người mới Phong thủy hiểu theo ý nghĩa nhập môn cho những người mới Reviewed by Xinh Blog on 13:39 Rating: 5

Không có nhận xét nào: